Đặc điểm Trĩ_đỏ_khoang_cổ

Trĩ đỏ khoang cổ có đỉnh đầu và gáy nâu ánh xanh. Trán, dải hẹp trên mắt, cằm, họng và cổ đen ánh lục, xanh hoặc tím tùy góc nhìn. Phía dưới cổ có vòng trắng ngắt đoạn ở phía trước và sau. Các lông phần trên lưng có phần gốc nâu gụ thẫm, dải hẹp dọc ở giữa trắng nhạt mút lông đen, hai bên phiến lông viền hung nâu rộng. Ngực hung nâu đỏ, mỗi lông đều có vệt đen hẹp ở dọc thân lông và mút lông chia thành hai thùy tròn[3].

Chim trĩ đỏ khoang cổ có màu lông sáng, đầu và cổ có màu xanh kèm với một khoang trắng trên cổ hoặc giữa ngực cộng thêm các vết đốm đen hoặc nâu. Đuôi của nó dài và nhỏ với nhiều đường gợn sóng sẫm đen dày khít nhau. Trong điều kiện nuôi nhốt, con đực nặng 1,7 kg, cá biệt có con nặng trên 2 kg, con mái nặng 1,2 kg sau 5 tháng nuôi.

Lông vai có viền nâu ánh đỏ rộng, tiếp vào trong là dải đen rồi dải hung nâu nhạt, Phần giữa lông là vệt nâu rộng hay hung nâu lấm tấm đen. Lông ở lng và trên đuôi có phần mút nâu ánh xanh và phần trong của lông có vằn hung nâu nhạt và đen xen kẽ, làm cho các phần này có màu nâu ánh xanh lẫn với vằn ngang đen và hung nâu nhạt xen kẽ không đều.

Đuôi màu vàng hơi ánh xanh, có vằn ngang đen ở giữa và nâu tím ở hai bên.Hai bên mép lông đuôi giữa và mép ngoài của các lông khác nâu ánh tím lẫn ánh xanh. Cánh nâu có viền hay vằn nâu nhạt, bao cánh nâu ánh thép, hai bên mép lông nâu tím, phần giữa lông có vằn nâu nhạt. Bụng nâu thẫm có ánh đỏ nhất là phần trên bụng. Sườn vàng cam óng ánh, mút mỗi lông đều có vệt đen hình tam giác.

Chim cái thì Đỉnh đầu và cổ nâu thẫm hay đen với những vạch ngang hẹp màu hung đỏ. Lưng và vai hung đỏ phớt nâu tím. Cằm và họng màu vàng xám có vạch nâu thẫm. Phía trước cổ và phần trên ngực có những vạch và chấm đen thô hơi óng ánh màu hồng tối. Phần dưới của ngực, sườn và bụng màu xám hung thẫm, với vân nâu tối và phần giữa lông màu nâu đỏ thẫm. Dưới đuôi nâu đỏ tối lẫn các vệt đen thô. Đùi nâu xỉn. Mẳt nâu đỏ. Da trần ở mặt đỏ tươi. Mỏ và chân xám sừng.

Thể trạng

Trĩ đỏ lớn rất nhanh và có khả năng đề kháng cao nên ít khi mắc bệnh. Khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh như chống nóng, chống rét tốt hơn gà. Chim trĩ đỏ khoang cổ mắc các bệnh thông thường như tiêu chảy, đau mắt, việc điều trị đơn giản, nhanh khỏi, và chưa mắc một loại bệnh truyền nhiễm nào. Chim trĩ đỏ khoang cổ có đặc tính khỏe, phối giống tốt, một con chim trống có thể phối giống với 2–3 con mái mà không ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Chúng có nhiều đặc tính tốt như năng suất thịt, trứng cao, con trống 6 tháng tuổi đạt 1,6-2,0 kg, con mái 1,2-1,5 kg, mái đẻ 90-100 trứng/năm, thịt, trứng thơm, ngon và bổ[4].

Đối với con mái, nếu nguồn thức ăn đảm bảo, 1 ngày có thể đẻ 2 trứng, mỗi lứa đẻ từ 40 – 45 trứng[5]. Đây là loài động vật hoang dã nên bay rất nhanh và ăn trứng của chính mình. Do chim không có bản năng ấp trứng nên phải nhờ gà ấp hộ (tỉ lệ ấp nở đạt 60%) hoặc sử dụng phương pháp ấp bằng máy (tỉ lệ nở đạt trên 80%). Đối với chim trống cần phải cắt hoặc mài bớt phần mỏ tránh chim ăn trứng.

Năng suất đẻ trứng đạt 90-110 trứng/mái/6 tháng đẻ (từ tháng 4 đến hết tháng 9)[6]. Chim trĩ đỏ khoang cổ sinh sản theo mùa, từ tháng 4 đến hết tháng 9 sau đó nghỉ đông. Điều này hạn chế rất lớn đến việc phát triển loài này ra diện rộng. Ở miền Bắc, mùa sinh sản của chim chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm, loại chim thịt chỉ đủ để bán từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau[7]

Tập tính ăn

Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng tiêu tốn thức ăn thấp, lượng thức ăn/ngày chỉ bằng ½ lượng cho gà ăn, để đạt 1,5 kg thịt (con trống) tiêu tốn hết 6,7 kg thức ăn. Thực phẩm chính của loài chim trĩ đỏ là ngô, rau xanh và một phần cám công nghiệp[7] Thức ăn của chim trĩ đỏ đơn giản, dễ kiếm, thường ăn chung với thức ăn của , vịt, chim cút. Ngoài ra, sau thời gian úm, giai đoạn hậu bị và vỗ béo, chim trĩ đỏ khoang cổ có thể ăn thóc, ngô, các loại thân chuối và buồng chuối xanh, chuối chín, rau muống, rau lang các loại.

Thức ăn có thể dùng chung với các loại gia cầm khác như: thóc, ngô, đỗ, cám, gạo, rau xanh, củ, quả, lá mơ, su su lượng thức ăn tiêu tốn ít (trung bình 200g/con/ngày) song ăn rải rác trong ngày, do vậy phải tiếp thức ăn thường xuyên.[5] Khi chăn nuôi, thức ăn cho chim trĩ cần kết hợp giữa các loại hạt ngũ cốc, rau xanh, cám công nghiệp, cho chim trĩ ăn, uống theo bữa, tính toán sao cho vừa đủ, không để lại lượng thức ăn thừa. Khi chim đẻ, cần bổ sung cám đậm đặc của gà để vỏ trứng chim dày, hạn chế trứng bị giập vỡ[4]